14 tháng 3, 2024

MỘT SỐ CÂU TRẢ LỜI CỦA TỔNG CỤC THUẾ VỀ QUYẾT TOÁN THUẾ TNDN NĂM 2023

 



1. Xin hỏi cục thuế về việc gửi báo cáo quyết toán thuế TNDN có chi nhánh phụ thuộc : XIn hỏi là khi quyết toán thuế TNDN , chúng tôi gửi hồ sơ quyết toán cho chi cục thuê quản lý công ty chính , vậy chúng tôi có phải gửi hồ sơ quyết toán thuế TNDN phân bổ về cho cơ quan thuế quản lý chi nhánh phụ thuộc nữa ko ? Nếu phải nộp thì nộp bằng MST cty chính hay MST phụ thuôc. ( Công ty chúng tôi là doanh nghiệp siêu nhỏ) . Xin cảm ơn.

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Trường hợp chi nhánh phụ thuộc là đơn vị sản xuất (không hạch toán độc lập) thì khi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN, công ty có lập Bảng phụ lục phân bổ cho chi nhánh khác tỉnh thì công ty gửi hồ sơ đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp trụ sở chính bằng mã số thuế của công ty (không phải gửi hồ sơ đến chi nhánh khác tỉnh). Tuy nhiên, công ty phải nộp tiền thuế trực tiếp tại địa phương có chi nhánh phụ thuộc đối với số tiền thuế phải phân bổ.

2. Công ty chúng tôi là công ty sản xuất phần mềm được ưu đãi thuế TNDN trong vòng 15 năm, trong năm 2023 Công ty chúng tôi có một khoản tiền vốn nhàn rỗi chưa dùng đến nên Công ty mang đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng và trong năm có phát sinh lãi. Vậy khi quyết toán thuế TNDN năm 2023 Công ty có được hưởng ưu đãi thuế TNDN với khoản thu nhập từ lãi tiền gửi có kỳ hạn của khoản tiền vốn nhàn rỗi không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về xác định thu nhập được hưởng thuế TNDN trong trường hợp  doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, trường hợp doanh nghiệp bạn đang được hưởng ưu đãi theo lĩnh vực thì khoản lãi tiền gửi có kỳ hạn không được hưởng ưu đãi thuế TNDN do không liên quan trực tiếp đến hoạt động SXKD được hưởng ưu đãi.

3. Công ty tôi kinh doanh hàng mỹ phẩm. Tháng 10/2023, chúng tôi kiểm kê đã loại ra một số mặt hàng bị tồn đã quá hạn sử dụng. Chúng tôi đã lập bảng kê, ra quyết định hủy lô hàng trên. Tổng lô hàng này trị giá 125 triệu đồng. Xin cho biết giá trị lô hàng hỏng này có được tính vào chi phí được trừ không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Đối với các sản phẩm hết hạn sử dụng phải tiêu hủy, nếu Doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp hàng hóa hết hạn sử dụng không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ trong năm thực hiện tiêu hủy.  Doanh nghiệp lập Hồ sơ theo hướng dẫn tại tiết b, khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của BTC.

4. Trường hợp của doanh nghiệp tôi đang hoạt động, được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện có dự án đầu tư mới tại địa bàn khu kinh tế. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tôi có bổ sung ngành nghề kinh doanh thì thu nhập từ hoạt động bổ sung có được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo dự án đang hoạt động hay không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Luật thuế TNDN hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư (trong đó có địa bàn khu kinh tế) thì được ưu đãi thuế TNDN.

Vì vậy, cần căn cứ tình hình thực tế của doanh nghiệp bạn là ngành nghề bổ sung có thuộc phạm vi dự án đầu tư mới của doanh nghiệp hay là dự án đầu tư mở rộng, từ đó mới có cơ sở xác định ưu đãi thuế TNDN phù hợp theo quy định. Nếu ngành nghề bổ sung không gắn với dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi, doanh nghiệp không tăng vốn, không thực hiện đầu tư mở rộng để tăng tài sản thì thu nhập từ hoạt động này không được ưu đãi thuế TNDN.

5. Công ty tôi có mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động. Xin hỏi công ty tôi có được tính vào chi phí được trừ cho khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động này không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) thì phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Căn cứ quy định trên thì về nguyên tắc khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động của Công ty được tính vào chi phí được trừ nếu khoản chi này đáp ứng các quy định về mức chi, hóa đơn, chứng từ. Ngoài ra, Công ty chỉ được trừ khoản chi này vào chi phí khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

6. Năm 2023 cty chúng tôi có quyết toán thuế TNDN và truy thu thuế TNDN năm 2021, hỏi: số tiền truy thu này đưa vô tài khoản nào và có được xem là chi phí hợp lý không ?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Căn cứ Khoản 2.37 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC  của Bộ Tài chính có quy định khoản thuế TNDN không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN. Do đó, khoản thuế TNDN DN bị truy thu không được tính vào chi phí được trừ.

7. Doanh nghiệp tôi có chi trả khoản tiền lương của những ngày nghỉ phép chưa dùng trong năm cho người lao động trong doanh nghiệp thì khoản chi này có được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN hay không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Trường hợp Công ty phát sinh khoản chi thanh toán những ngày phép chưa nghỉ cho người lao động đáp ứng quy định tại Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

8. Trong năm 2023 công ty tôi có vay ngân hàng, nhưng do khó khăn đến thời hạn Công ty chưa thanh toán được cho ngân hàng nên phải trả khoản lãi vay quá hạn. Như vậy DN có được trừ khoản khi tính thuế TNDN không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Căn cứ quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản chi trả lãi tiền vay để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, không thuộc các khoản chi không được trừ thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

9. Công ty tôi có mua lại máy tính văn phòng cũ của cá nhân không kinh doanh để phục vụ cho hoạt động của công ty. Vậy chi phí mua máy này có được tính vào chi phí được trừ thuế TNDN không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Pháp luật về thuế TNDN hiện hành: về nguyên tắc, các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên và không thuộc các khoản chi không được trừ thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

 Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:

 "2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

 2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:

- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;

- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).

 ......

Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế."

 Trường hợp Công ty mua lại máy tính văn phòng cũ của cá nhân không kinh doanh để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty nếu có Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng theo quy định nêu trên thì chi phí mua máy này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đề nghị Công ty căn cứ quy định pháp luật về thuế TNDN và tình hình thực tế đáp ứng để thực hiện đúng quy định pháp luật.

10. Kính chào Tổng Cục Thuế, Công ty em có định mức lưu trú cho CBNV khi thực hiện công tác. Cho em hỏi trường hợp CBNV lưu trú vượt định mức thì phần chi phí vượt định mức này sẽ xử lý theo hướng nào ạ: 1. Ghi nhận đúng định mức (+ VAT nếu có) 2. Ghi nhận theo đúng thông tin trên hóa đơn lưu trú. Sau đó, Doanh nghiệp xuất lại hóa đơn đầu ra phân chi phí vượt định mức. Em xin hỏi thực hiện hạch toán ghi nhận chi phí theo trường hợp 1 thì có được không ạ? Xin Cám ơn!

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Tại khoản 2.9 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định:

“Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp chi phụ cấp cho người lao động đi công tác có khoán tiền ở thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền ở, phần vượt mức khoán không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

11. Cuối năm DN tính dự phòng giảm giá hàng tồn kho và có tăng khoản dự phòng này cho năm 2023 thì CP dự phòng GG HTK có được tính là CP hợp lý tính thuế TNDN không ?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

"2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.22. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập."

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp có khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho nếu thực hiện trích, lập và sử dụng theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Hiện nay, hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng thực hiện theo Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.

12 .Kính gửi Tổng cục Thuế, Công ty chúng tôi có trụ sở chính ở Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An. Ngoài ra còn có 1 VPDD ở Quận 7, Tp.HCM. Chức năng Vp này chỉ dùng để xúc tiến thương mại, không phát sinh doanh thu từ địa điểm này. Như vậy Công ty chúng tôi có phải phân bổ thuế TNDN cho địa bàn Tp.HCM không ạ? Xin cảm ơn.

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Theo Điều 17 Thông tư số 80/2021/BTC-TT thì trường hợp được phân bổ thuế TNDN cho các đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất. Do vậy, trường hợp công ty có Văn phòng đại diện ở TPHCM khác trụ sở chính ở Long An, VPDD không phải là cơ sở sản xuất thì công ty không phải phân bổ thuế TNDN cho địa bàn có văn phòng đại diện.

13. Trong quy chế tài chính, DN có quy định mức khoán công tác phí hàng tháng đối với toàn bộ nhân viên là 1 triệu đồng/tháng và hàng tháng DN làm phiếu chi chi tiền cho nhân viên (và KHÔNG kèm theo giấy tờ gì khác như quyết định đi công tác, giấy đi đường...). TCT cho hỏi với chứng từ trên (duy nhất phiếu chi) thì khoản chi công tác phí này có được coi là hợp lý, hợp lệ khi xác định thuế TNDN không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Theo quy định tại điểm 2.9 Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Theo đó, công ty có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác và có khoán chi phí công tác phí theo quy định nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

14. Xin kính chào Quý Tổng Cục Thuế Tôi muôn hỏi là: [1] Theo TT78/96/vbhn66: Chi phi tổn thất hàng hóa với nguyên nhân, thiên tai hỏa hoạn, địch bệch, bất khả kháng, không đc bổi thường, thì mới đc tính là CP hợp lệ [2] Theo TT48/trích lập dự phòng cho mục đích tính thuế TNDN Nếu cty có trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (với nguyên nhân hàng hư hỏng sinh lý hóa tự nhiên, lỗi mốt, lạc hậu...) đúng theo quy định, thì được tính là chi phí được trừ. Vậy cho tôi muốn hỏi, Nếu bên tôi KHÔNG trích lập dự phòng, Nhưng có phát sinh chi phí tiêu hủy hàng hư hỏng sinh lý hóa tự nhiên, lỗi mốt, lạc hậu thì có đc xem xét là chi phí hợp lý hợp lệ hay không? Xin trân trọng cảm ơn!

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

.........

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:

Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

..........

b) Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:

- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

c) Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.”

Trường hợp Công ty có phát sinh hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường nếu đáp ứng đầy đủ hồ sơ theo quy định nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

15. Công ty thành lập vào tháng 7/2023 (trên giấy đăng ký kinh doanh: 19/07/2023; trên giấy đăng ký đầu tư: 22/06/2023). Địa bàn thực hiện dự án đầu tư thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Trên giấy đăng ký đầu tư, điều 2, những công ty khác sẽ ghi rõ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, của công ty này không thể hiện rõ. Vậy thì công ty vẫn được hưởng ưu đãi thuế theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP phải không? Ngoài ra, khi không thể hiện rõ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế trên giấy đăng ký đầu tư. Thế công ty có phải làm thủ tục thay đổi, bổ sung trên giấy đăng ký đầu tư không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Luật thuế TNDN hiện hành quy định doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đáp ứng điều kiện về lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư (trong đó có địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn) thì được ưu đãi thuế TNDN.

Trường hợp nếu doanh nghiệp bạn thực tế đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thì được hưởng ưu đãi thuế theo thực tế đáp ứng.

Việc thay đổi, bổ sung giấy đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

16. Chúng tôi đang lập BCTC năm 2023, thì có phát hiện ra sai sót BCTC năm 2022, sai sót này là sai sót ko trọng yếu, không làm ảnh hưởng tới số thuế TNDN 2022 ( năm 2022 chúng tôi ko phát sinh nghĩa vụ thuế), Vậy chúng tôi có cần phải làm lại quyết toán năm 2022 không?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020 của Chính phủ thì trường hợp DN đã nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm, sau đó phát hiện ra sai sót nhưng sai sót đó không làm ảnh hưởng đến số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế năm thì DN không phải nộp Tờ khai bổ sung mà chỉ phải nộp Bản giải trình khai bổ sung kèm theo tài liệu có liên quan

17. Công ty có thuê nhà của cá nhân (sinh năm 1947 và không có hóa đơn) làm văn phòng đại diện với giá thuê 20trđ/tháng, công ty đã kê khai và nộp thuế môn bài, TNCN, VAT cho cá nhân Vậy quý cục thuế cho cty hỏi : Công ty trả tiền thuê nhà cho cá nhân trên bằng tiền mặt được không ?

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

......

2.5. Chi tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ, chứng từ dưới đây:

  - Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản và chứng từ trả tiền thuê tài sản.

- Trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân.

..."

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp thuê tài sản của cá nhân mà tại hợp đồng thuê tài sản có thoả thuận doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân thì hồ sơ để xác định chi phí được trừ là hợp đồng thuê tài sản, chứng từ trả tiền thuê tài sản và chứng từ nộp thuế thay cho cá nhân. Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản chi nếu không thuộc trường hợp có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ thì khi thanh toán không cần phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

18. Tháng 11/2022 Cục thuế thanh tra Công ty giai đoạn năm 2021 và truy thu 49 triệu tiền thuế TNDN. Công ty hạch toán Nợ 821 có 3334: 49 triệu. Vậy khi lập tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2022, công ty có phải kê khai khoản 49tr đó vào kì kê khai năm 2022 không hay công ty phải kê khai bổ sung trong năm 2021. mong được Cục thuế trả lời. Xin cảm ơn.

Tổng Cục Thuế trả lời : 

Theo quy định tại Điều 47 Luật QLT số 38/2019/QH14 thì trường hợp cơ quan thuế thực hiện thanh tra và ban hành quyết định xử lý truy thu thuế TNDN thì công ty thực hiện nộp tiền thuế theo Quyết định xử lý VPHC của cơ quan thuế, công ty không phải  khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được thanh tra, kiểm tra.


Nguồn : Tổng Cục Thuế www.gdt.gov.vn

0 comments:

Đăng nhận xét

 

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢNG TIN

LIÊN HỆ QUA MAIL

Email us: ketoan4ckh@gmail.com

BIÊN TẬP : BÍCH PHƯƠNG